Quan điểm Đỗ Chu (nhà văn)

Những lời khen của các bậc đi trước là nguồn động viên rất quý, nhưng bản thân chuyện đó trước sau vẫn chỉ là động viên mà thôi. Các nhà văn, người cầm bút trở thành vững chãi đều phải qua một giai đoạn dài từng trải, vừa học hỏi vừa sáng tạo một cách công phu, ai tính chuyện đi tắt, mưu mẹo vặt, toan bỏ qua chuyện đó thì trước sau gì đều cũng sẽ lụi. Cụ Đỗ Phủ đời Đường từng nói: "Vinh hoa địch huân nghiệp/ Tuế mộ hữu nghiêm sương" có nghĩa rằng, anh hưởng cái vinh hoa quá đáng so với những công lao đóng góp thì rồi ra về già ắt sẽ phải chịu nhiều sương giá.[2]

"Viết nhiều là quý nhưng phải hay. Viết nhiều mà không hay thì thà viết ít, thậm chí đừng viết nữa. Dấu hiệu của tài năng còn là ở chỗ tự biết mình đến lúc nào không hay thì thà viết ít, thậm chí đừng viết nữa. Biết điều thì xin vào ngồi ở một tòa soạn, một nhà xuất bản nào đó, kiếm lấy một cái ghế để yên thân"

Đỗ Chu nói: Làm báo là phải cập nhật, viết văn thì phải dài dài… phần lớn người viết văn bây giờ phải viết báo cho nên gì thì gì nhớ là khi ra sách phải có văn chương, không thì vứt…".

"Phải mất hàng năm, không thể không đọc một nhà văn như ông (Tô Hoài) này. Đấy là nhà chép sử biên niên nước nhà, kể từ tiền khởi nghĩa, có sức vóc "cử đỉnh" trong văn học Việt Nam thế kỷ hai mươi. Người ta hay nhắc đến những trang viết miền núi của Tô Hoài, tất nhiên là hay, nhưng thực ra phần chính yếu của ông là viết về Hà Nội trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Giữa các cụ xuất chúng ông già này cứ lầm rầm đi, lầm rầm làm việc nhưng sẽ là người về sau cùng, trên vai là một gánh sách có ý nghĩa tập đại thành...Nhiều anh thích ầm ĩ quá, trong khi sự tự vượt mình chỉ có thể làm được trong im lặng sống và sáng tạo".

"Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Vàng Anh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Tư… và rất nhiều người nữa đều đã có những đóng góp đáng kể, tôi hy vọng sự chững lại của họ mấy năm gần đây chỉ là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để có những bước vạm vỡ trong thời gian tới".Chẳng qua đời mỗi chúng ta cũng giống như con chim gì đang nhảy nhót chấp chới trên ngọn sóng. Chỉ có ai lênh đênh ngoài khơi thì mới gặp loài chim ấy. Chẳng hiểu chúng đậu vào đâu mà sống nổi, và nhờ đâu chúng vẫn cất tiếng hót giữa trùng trùng sóng gió. Kiếp người tưởng vậy mà nào có khác nhau là bao. Tôi vẫn thấy có tiếng hát của em, tiếng gọi của chị trong mỗi ngày sống của mình. (Một loài chim trên sóng).[1]